Tay vợt Thuỳ Linh: 'Tôi không có đường lùi'
Vượt nhiều biến cố để đến với cầu lông, đối với Nguyễn Thùy Linh, môn thể thao này không chỉ là đam mê, mà còn là sinh kế, mục tiêu cuộc đời cũng như chuyện hiếu nghĩa với mẹ và ông ngoại đã mất.
- Cơ duyên nào đưa Thuỳ Linh đến với cầu lông?
- Tôi sinh ra trong gia đình không ai theo thể thao chuyên nghiệp. Nhưng từ nhỏ, tôi đã được ông ngoại cho tiếp xúc với cầu lông. Ông thường dẫn tôi đến các giải phong trào rồi mua áo quần thể thao, giày, vợt... Khi thấy tôi đam mê và bộc lộ tố chất, ông đặt ra những cột mốc mà nếu vượt qua, tôi sẽ được thưởng, lúc thì bánh kẹo, đôi khi là những cốc chè. Cứ thế, tôi bén duyên với môn thể thao này.
Sau này, ông còn đưa tôi xuống Hà Nội, xin vào lớp năng khiếu của HLV Dương Thị Liên. Ông và bố ủng hộ tôi làm gì cũng được, miễn sao trở thành người tốt, sống ngoan. Nhưng, tôi vấp phải sự phản đối kịch liệt của mẹ. Mẹ không muốn tôi xa nhà khi còn quá nhỏ. Trong mắt mẹ, con gái là phải váy vóc thướt tha, học đàn, học nhảy... chứ không phải bận quần đùi áo số. Mẹ còn sợ con gái chơi thể thao sẽ thô cứng, cơ bắp. Vì thế, mẹ chỉ cho tôi tập cầu lông mấy tháng hè rồi trở về học văn hoá. Kể cả khi tôi giành huy chương ở Hội khoẻ Phù Đổng, mẹ vẫn không chịu. Đến 12 tuổi, tôi phải bỏ dở đam mê để trở về Phú Thọ.
- Vậy Thuỳ Linh làm thế nào được quay trở lại với cầu lông?
- Sau khi tôi trở về một thời gian, mẹ bỗng mắc bệnh và qua đời một năm sau đó. Gia đình đã họp bàn để xem có nên cho tôi trở lại với cầu lông không.
Khi đó mới 14 tuổi, tôi đã tự hứa với bản thân và gia đình rằng, tôi sẽ thành công với cầu lông. Bởi chỉ có như vậy tôi mới cảm thấy không có lỗi với mẹ, dù con đường này không phải là nguyện vọng của mẹ. Ngược lại, nếu tôi thất bại, mẹ không thể an lòng nơi chín suối. Những suy nghĩ đó giúp tôi có động lực trở lại với cầu lông.
Rồi tôi được lên tập trung đội tuyển quốc gia, và chỉ sau tám tháng đã tham gia giải cầu lông hỗn hợp nam nữ thế giới. Từ những bước tiến đó, gia đình cảm thấy có động lực hơn và bản thân tôi cũng thích nghi với việc sống xa nhà.
Nhưng biến cố lại ập đến. Khi tôi 15 tuổi, chỗ dựa tinh thần vững chắc của tôi là ông ngoại cũng qua đời. Tôi không kịp nghe ông dặn dò, mà chỉ có thể nhìn mặt lần cuối. Có thể nói, đây là người có ảnh hưởng nhất với sự nghiệp của tôi. Những năm sau đó, cứ mỗi lần tập luyện, thi đấu gặp khó khăn, tôi lại nhớ về hình ảnh lần cuối của ông để có động lực vươn lên.
- Những mất mát liên tiếp đó phải chăng là những thử thách cuối cùng trên con đường đưa Thuỳ Linh đến vị trí số một của cầu lông nữ Việt Nam?
- Lúc tôi 17 tuổi, chị Vũ Thị Trang là tay vợt nữ số một Việt Nam. Có lần, tôi tưởng như sẽ được đối đầu chị Trang, nhưng bỏ lỡ vì thất bại trước một đối thủ khác. Điều đó khiến tôi chán nản, cảm thấy bản thân không làm được gì. Tôi nghỉ tập ba ngày, bốn ngày, rồi đỉnh điểm là bỏ hẳn một tuần.
Thấy tôi khóc nhiều, bà ngoại lại có lý do gọi về, khuyên học văn hoá lớp 12 để sau này kiếm việc khác. Bà nói rằng lương thể thao chỉ mấy triệu đồng không đủ trang trải, ở quê làm công nhân cũng sống được. Nhưng tôi ý thức rằng phải cố gắng nhiều hơn nữa thì thành quả sẽ đến, mình không thể buông trôi như vậy được. Cầu lông đã ngấm vào máu rồi nên tôi quyết định cầm vợt trở lại.
Chỉ có cầu lông, Thuỳ Linh mới chính là Thuỳ Linh. Sau lần đó, tôi đặt cho mình mục tiêu là lên số một Việt Nam. Để có được như vậy, tôi phải vạch ra con đường hợp lý. Đó là thi đấu quốc tế nhiều để tích luỹ kinh nghiệm lẫn điểm số. Đến năm 2018, tôi thắng Vũ Thị Trang ở bán kết cầu lông nữ Đại hội Toàn quốc rồi trở thành số một Việt Nam.
- Thuỳ Linh cảm thấy ấn tượng nhất về điều gì khi nhìn lại hành trình lên đỉnh cao cầu lông ở Việt Nam?
- Đến tận bây giờ, khi ngồi đây để chia sẻ về chặng đường sau mười mấy năm theo nghề, tôi lại thấy rợn người vì không tin mình đã vượt qua. Cuộc sống của tôi dường như chỉ hướng lên phía trên, giống như leo núi vậy, không có đường lùi. Tôi phải tiến lên vì nếu ở lưng chừng, tôi sợ rằng ngã sẽ rất đau. Tôi tự nhắn nhủ bản thân phải cố gắng từng ngày, từng chút, leo chắc từng bậc thang rồi cũng có ngày lên đỉnh.
Nhiều lúc tôi thấy mệt mỏi, muốn nói với mình rằng: 'Linh ơi, nghỉ đi, đã có đủ rồi'. Nhưng nếu nhìn tích cực hơn, mỗi ngày thức dậy, thấy có một cơ thể khoẻ mạnh, có quyền quyết định tự do của mình, làm điều mình thích trong 24 giờ tới, trong một ngày tới, trong một tháng hay trong một năm tới... Thế là tôi lại thấy có động lực để phấn đấu, chứ nếu mình thức dậy không có mục tiêu gì, không biết làm gì thì sống thật vô nghĩa.
- Nhiều lúc tôi tủi thân vô cùng. Đi đâu cũng một mình với ba chiếc vali lỉnh kỉnh, không ai nương tựa. Tôi ở một mình, ăn một mình, tập một mình, đấu một mình, làm gì cũng một mình...
Hình ảnh buồn nhất là khi vào chung kết giải Đức Mở rộng mới đây. Đó là lần đầu tiên tôi chơi một trận chung kết Super 300, chưa quen với "sân khấu" lớn đó. Khi bước ra, cả sân theo dõi mình, trên khán đài hàng trăm người hâm mộ Việt Nam gọi tên, làm tôi vừa thấy ấm áp, vừa hạnh phúc nhưng dưới sân, tôi một mình chiến đấu.
Thi đấu ở châu Âu có nhiều khác biệt về văn hoá, thời tiết. Dưới cái lạnh, mưa, có nhiều lúc tôi dự định đánh bốn giải nhưng sớm bỏ một giải để về với gia đình vì quá buồn. Tháng 10 năm ngoái, tôi đánh ở Phần Lan, khi bước chân đến xứ này sao mà buồn thế. Trời mưa, lạnh lại thân cô thế cô. Nhưng thật bất ngờ, khi tôi vào sân, có khoảng 30 người Việt Nam xa xứ đến cổ vũ, gọi tên làm cho tôi vừa vui, vừa hạnh phúc. Xong trận, khi gặp gỡ giao lưu tôi mới biết họ vì muốn tôi tập trung thi đấu, nên không dám làm phiền trước trận mà muốn đến sân cổ vũ. Sau chuyến đi này, tôi thi đấu ở nước nào cũng có người Việt cổ vũ như một thói quen. Thậm chí đến nước nào là đều có người hỏi thăm, nhắn tin hỏi Linh cần giúp gì không, ăn gì không, mua gì không... làm cho tôi bớt cô đơn.
Tôi cảm thấy mình may mắn khi được mọi người yêu thương, có nhiều người hâm mộ rồi trở thành bạn, cả người Việt lẫn người nước ngoài đều cổ vũ cho mình. Vì thế, hành trình bây giờ không còn gặp nhiều khó khăn như trước. Nếu không có may mắn, Thuỳ Linh không được yêu thương đặc biệt như thế. Tôi chỉ giỏi ở môn đấu của tôi thôi, có nhiều VĐV khác giỏi hơn tôi, nhưng họ chưa được may mắn như thế.
- Vậy tại sao Thùy Linh không tìm một HLV song hành?
- Nói không cần HLV đi cùng là dối lòng, vì có người hỗ trợ về chuyên môn bao giờ cũng tốt hơn. Nhìn các VĐV nước khác, họ có HLV chuyên môn, có chuyên gia phân tích, có chuyên gia thể lực đi cùng... tôi cũng muốn lắm. Nhưng suy nghĩ lại, kinh phí dành cho thể thao Việt Nam còn ít, tôi không đòi hỏi được. Tôi cảm thấy mình được tạo điều kiện đi thi đấu là may mắn rồi. Tôi chưa bao giờ kêu than bắt buộc phải có HLV đi cùng. Tôi đã bị hiểu nhầm vấn đề này rất nhiều và không biết phải đính chính khi nào thì mọi người mới hiểu.
Việc đi một mình khiến tôi phải tự lực cánh sinh, từ chuyện kiếm nơi ăn chốn nghỉ, kiếm chỗ mua nước đá để hồi phục cho bản thân rồi lên lịch hoạt động cho mình. Nhưng tôi cũng rất may mắn khi nhiều VĐV, HLV đối phương yêu mến. Thậm chí họ hỏi 'Bạn đi với ai, một mình à, có cần tập chung không, có cần ngồi ghế HLV không?'. Đó là lí do mà tôi được nhiều HLV như Thái Lan, Trung Quốc hay đồng nghiệp Laurent Lam giúp đỡ, cổ vũ trực tiếp.
Mới đây, khi đi từ Đức sang Pháp, tôi thất lạc hành lý ở sân bay phải nhờ ban tổ chức tìm giúp. Tôi còn phải đổi chỗ ở vì khách sạn ban tổ chức bố trí ở một khu vực bất an, với người vô gia cư và cả chuyện cướp giật nữa. Rất may mắn ban tổ chức xử lý kịp, tôi chuyển đến ở chung khách sạn với đoàn Thái Lan. Tối xin lên phòng ngủ cùng VĐV Thái Lan rồi sau đó ra sân đấu luôn, không có thời gian để làm quen.
- Lần thứ hai liên tiếp giành suất dự Olympic, nhìn lại quá trình giành vé đến với Thế vận hội lần này, Thùy Linh cảm thấy thế nào?
- Hơn một năm qua tôi một mình tham dự 20 giải. Trong quá trình đó, tôi đã vào top 20 thế giới, vào chung kết giải super 300, tứ kết giải super 750, top 16 super 1000, tứ kết giải super 300 và 500, vô địch super 100... và thêm nhiều trận đấu khác.
Tôi không thể tưởng tượng nổi, chỉ trong một năm đã di chuyển một mình khắp thế giới, có những nơi tôi thi đấu như Mỹ, Canada tính cả thời gian quá cảnh, có lúc bay hết 36, 37 tiếng. Do đó, không quá tự hào nhưng tôi hài lòng với hành trình đã đi. Dĩ nhiên, tôi cũng còn muốn hơn nữa nhưng cơ hội đi Olympic chia đều cho các tay vợt. Tôi tiến bộ thì đối thủ cũng tiến bộ. Việc vào top 20 trong năm tích điểm đã khó, giữ được còn khó hơn rất nhiều.
- Cảm xúc lần thứ hai giành vé đến Olympic khác với lần đầu như thế nào, và Thuỳ Linh chờ đợi gì ở Paris sắp tới?
- Nếu như thời gian này của bốn năm trước, tôi tim đập chân run thì lần này bình thản hơn. Bởi tôi đã chuẩn bị kỹ hơn, tích luỹ nhiều điểm hơn. Kế hoạch lúc đầu, tôi cứ nghĩ có 14 hạt giống ở Olympic Paris 2024 nên cố gắng để vào vị trí hạt giống 14. Nhưng sau này họ chỉ lấy 12 hạt giống, điều đó là quá khó với tôi. Bởi, khoảng cách điểm của tôi với nhóm hạt giống lên đến 10.000 điểm. Để vào được nhóm 12 hạt giống, ít nhất phải vào bán kết super 750 và tứ kết super 1.000. Bên cạnh đó, tôi cũng mất một thời gian khá dài, trong đó có giải đồng đội tại Malaysia, vì nghỉ Tết Nguyên đán.
Khi đã giành được vé đến Olympic, tôi chỉ mong rơi vào bảng đấu dễ thở hơn. Bởi nếu gặp phải hạt giống số một, số hai thế giới thì cửa đi tiếp quá hẹp. Sau đó, tôi sẽ chiến đấu hết mình, không còn gì để mất.
- Ngoài cầu lông, Thuỳ Linh còn có sở thích gì?
- Tôi thích đọc sách, thiền, đi trekking, mua sắm. Tôi cũng mê quần vợt nữa. Nhưng tất cả đều không có nhiều thời gian vì tôi tập trung hết cho cầu lông. Thậm chí, tôi cũng không có nhiều thời gian cho gia đình, mỗi lần về lâu lắm cũng ba ngày, hoặc chỉ một hai ngày rồi lại rời đi.
Mỗi ngày tôi có khoảng năm tiếng dành cho tập luyện. Tôi thức dậy, thiền rồi ăn sáng, đi tập thể lực, tập gym. Ăn trưa, ngủ, đi tập cầu lông rồi tối về ăn tối, nghỉ ngơi, đọc sách, xem phim rồi thiền và đi ngủ.
Trước đây, tôi thiền chỉ lác đác nhưng sau này đưa thiền vào kế hoạch của cuộc sống, mỗi ngày hai lần. Bởi VĐV tập luyện, thi đấu nhiều sẽ cạn kiệt thể chất nên nhiều lúc cơ thể bị stress, tinh thần không ổn định. Vì thế, ngồi thiền giúp mình chữa lành, sống nhẹ nhàng hơn. Tôi đọc sách không phải về kinh doanh mà sách về tâm linh, về luật nhân quả...
- Từng nói rằng hồi nhỏ không thích học văn hoá, nhưng hiện tại, Thùy Linh có thể thông thạo hai ngoại ngữ. Chị tự học như thế nào?
- Thực ra khi còn nhỏ, tôi học văn hoá cũng được nhưng không thuộc kiểu học sinh chăm ngoan ngày đêm đèn sách, giỏi toàn diện như chúng bạn. Có lẽ tình yêu tôi dành cho cầu lông nhiều hơn nên không tha thiết học để trở thành một học sinh xuất sắc. Sau này, khi đi tập huấn, tôi bắt buộc phải có ngoại ngữ. Ban đầu, học vẹt, học trên mạng rồi đi du đấu một mình thì phải sử dụng mà thôi, không còn cách nào khác. Cho nên, bây giờ tôi thành thạo tiếng Trung và giao tiếp bằng tiếng Anh. Tất nhiên, mỗi đêm tôi vẫn học tiếng Anh, có giáo viên kèm để trau dồi thêm nữa.
- Đâu là bước ngoặt để có một Thuỳ Linh giỏi giang, tài năng như hôm nay?
- Có thể nói, Olympic Tokyo 2020 đã đưa tên tuổi của Thuỳ Linh lan toả rộng rãi. Năm đó đang dịch Covid-19, tôi có một năm chỉ tập chay, lại rơi vào bảng đấu với số một thế giới Tai Tzu Ying (Đài Loan) nên không đặt nhiều kỳ vọng. Nhưng vào giải, tôi thắng hai đối thủ Qi Xuefei (Pháp) và Sabrina Jaquet (Thụy Sĩ), gây tiếng vang lớn và sau đó chỉ thua Tai. Báo chí, truyền thông, người hâm mộ vì thế nhắc nhiều đến Thùy Linh, giúp tên tuổi tôi lan toả.
- Ngoài danh tiếng, cầu lông còn đem đến cho Thùy Linh điều gì?
- Nói theo một cách tâm linh, có lẽ cầu lông đã chọn tôi. Tôi cảm ơn vì cầu lông đã thay đổi cuộc đời tôi. Chính nhờ sự cố gắng, nỗ lực, cống hiến mà tôi được đền đáp với nhiều tình cảm yêu mến lẫn có nguồn kinh phí từ các mạnh thường quân và các cấp. Cầu lông đã mang lại cho tôi nhiều hơn mong đợi, và tôi nghĩ gia đình và mẹ cũng hào về những gì tôi đạt được.
Tôi vất vả từ nhỏ, là chị cả trong gia đình ba chị em. Trước đây thu nhập của tôi không cao, nhưng có bao nhiêu đều gửi về phụ gia đình. Sau này, khi ông ngoại mất, gia đình khó khăn, tôi cũng gửi về, tiết kiệm từng chút mà không ngờ cũng giải quyết xong.
Bố tôi nghỉ hưu sớm để có thêm thời gian thay mẹ chăm sóc gia đình, do em trai tôi còn quá nhỏ. Hiện, tôi đã lo cho em gái xong đại học, còn em trai cũng sắp tốt nghiệp cấp ba. Tôi cũng có thu nhập ổn định hơn, và bắt đầu tiết kiệm để dành dụm cho sau này vì đời VĐV ngắn lắm. Nếu không có tài chính, chúng ta không làm được gì cả. Ví như nếu không có tiền, tôi không thể đi du đấu, không thể chăm sóc cho gia đình... Nên tôi phải luôn phải quyết tâm, cố gắng hết mức khi còn có thể.
- Châm ngôn sống của Thùy Linh là gì?
- Châm ngôn yêu thích của tôi là "Thời gian không chờ đợi ai". Mỗi ngày chúng ta có hàng trăm ngàn lý do để trì hoãn, bê trễ, không làm đến nơi đến chốn một việc gì đó. Mà nếu chúng ta không hoàn thành thì thời gian sẽ trôi qua mà thôi, không lấy lại được. Tôi không muốn lãng phí thời gian ít ỏi đó. Đặc biệt, với các VĐV như chúng tôi, thời gian chơi đỉnh cao không dài, cần phải tận dụng tuổi nghề của mình. Nên tôi thích châm ngôn đó, nó nhắc nhở bản thân tôi tập luyện chăm chỉ đi, thi đấu hết mình đi, vì thanh xuân của vận động viên có được bao nhiêu năm mà hững hờ.
- Sau những thành công, Thuỳ Linh mong muốn điều gì trong tương lai?
- Tôi năm nay 26 tuổi, chỉ mong có lần thứ ba dự Olympic. Đặc biệt, không hiểu sao tôi thường thất bại ở SEA Games nên cũng mong một lần giành được huy chương ở đấu trường này.
Còn về tương lai, tôi không phải mẫu người quá cao siêu để cho rằng bản thân sau này sẽ là một HLV giỏi, một người tiếng tăm. Tôi không phải là người sống bon chen, chỉ muốn có một cuộc sống bình thương. Thế nên, nếu được, tôi cũng mong sau này mình đóng góp nhiều hơn nữa cho cầu lông nước nhà. Có thể giúp sức nhỏ bé để tạo ra những Thuỳ Linh khác hay hơn Thuỳ Linh của hiện tại.
Sau tất cả, tôi chỉ muốn cảm ơn gia đình, những người thầy, người cô, người hâm mộ đã quan tâm và yêu mến. Bên cạnh đó là lãnh đạo các đơn vị, các nhà tài trợ đã luôn ủng hộ, tạo điều kiện tốt nhất để tôi phát triển sự nghiệp như ngày này. Không có sự yêu thương của mọi người, tôi chẳng là gì cả.